Sau khi bãi chức Mã_Hy_Ngạc

Khi Mã Hy Ngạc đến Hành Sơn, Hành Sơn chỉ huy sứ Liệu Yển (廖偃), nói với quý phụ Liệu Khuông Ngưng (廖匡凝), "Nhà ta truyền đời nhận ân của Mã thị, nay Hy Ngạc lớn nhất mà bị truất, tất không tránh được hoạ, Sao không giúp ông ta." Liệu Yển huy động nhân dân làm binh, cùng với Bành Sư Cảo tuyên Mã Hy Ngạc là Hành Sơn vương. Họ xây dựng hàng rào phòng thủ trên sông Tương và bắt đầu đóng thuyền từ tre. Trong vài ngày họ tập hợp được đến hơn vạn người, được nhiều châu huyện hưởng ứng. Liệu Yển còn phái Lưu Hư Kỷ (劉虛己) sang Nam Đường cầu viện.[3]

Sang tháng 10 âl, Từ Uy định giết Mã Hy Sùng, Mã Hy Sùng biết được bèn quyết định đầu hàng dâng lãnh thổ do mình kiểm soát cho Nam Đường. Lý Cảnh phái Biên Hạo đem quân tiến đến Trường Sa để tiếp nhận đầu hàng. Mã Hy Ngạc hay tin thì mong Nam Đường cho mình làm Vũ An tiết độ sứ, song nhân dân Trường Sa ghét Mã Hy Ngạc, cùng thỉnh cầu Lý Cảnh để Biên Hạo làm thống lĩnh, Lý Cảnh do đó cho Biên Hạo làm Vũ An tiết độ sứ. Biên Hạo sau đó buộc Mã Hy Sùng và gia đình rời khỏi Trường Sa để đến kinh thành Kim Lăng của Nam Đường, kết thúc thời kỳ họ Mã cai trị đất Sở. Tháng 11 âl, Biên Hạo khiển Tiên phong chỉ huy sứ Lý Thừa Tiển (李承戬) đem binh đến Hành Sơn, thúc giục Mã Hy Ngạc đến Kim Lăng. Ngày Canh Thìn (22) cùng tháng, tức 23 tháng 12, Mã Hy Ngạc cùng hơn vạn quân tiến về Kim Lăng. Tháng 12 âl, Lý Cảnh cho Mã Hy Ngạc làm Giang Nam Tây đạo[c 15] quan sát sứ, Trung thư lệnh, trấn giữ Hồng châu-thủ phủ Giang Nam Tây đạo, và vẫn cho giữ tước Sở vương.[3]

Tháng 12 năm Nhâm Tý (952-953), Mã Hy Ngạch đến triều đình Nam Đường, Lý Cảnh cho giữ Mã Hy Ngạc lại Kim Lăng. Vài năm sau, Mã Hy Ngạc mất tại Kim Lăng, thuỵ hiệu là "Cung Hiếu".[8]